Thống kê của Bộ Lao Động Thương Binh & Xã Hội cho thấy, tai nạn lao động liên quan đến điện chiếm 11,05% tổng số vụ và 10,53% tổng số người chết trong các vụ tai nạn lao động 6 tháng đầu năm 2021. Điều đó cho thấy ưu tiên an toàn điện tại nơi làm việc là rất quan trọng. Thông tư số 05/2021/TT-BCT ngày 02/08/2021 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định người sử dụng lao động phải có trách nhiệm tổ chức huấn luyện, sát hạch, xếp bậc và cấp thẻ an toàn điện cho người lao động.
1. Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong huấn luyện an toàn điện
Theo quy định của Thông tư nêu trên, để thực hiện huấn luyện an toàn điện tại cơ sở, Người sử dụng lao động phải thực hiện xây dựng tài liệu huấn luyện sát hạch và quy định thời gian huấn luyện phù hợp với bậc an toàn và vị trí công việc của người lao động; lựa chọn người huấn luyện sát hạch theo quy định; tổ chức huấn luyện sát hạch, xếp bậc và cấp thẻ an toàn điện cho người lao động sau khi kiểm tra đạt yêu cầu. Trường hợp kết quả kiểm tra phần lý thuyết hoặc phần thực hành không đạt yêu cầu thì phải huấn luyện lại phần chưa đạt. Cũng theo quy định tại Thông tư này, người sử dụng lao động phải quản lý, theo dõi công tác huấn luyện sát hạch, xếp bậc và cấp thẻ an toàn điện tại đơn vị.
2. Quy định đối với người huấn luyện sát hạch về An Toàn Điện
Người huấn luyện An Toàn Điện được chia thành hai nhóm, gồm huấn luyện lý thuyết và thực hành. Người huấn luyện sát hạch phần lý thuyết phải có trình độ đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành huấn luyện và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm công tác phù hợp với chuyên ngành đó. Người huấn luyện sát hạch phần thực hành chỉ cần có trình độ cao đẳng trở lên, thông thạo và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm công việc phù hợp với chuyên ngành huấn luyện.
3. Hình thức và thời gian huấn luyện sát hạch
Hình thức huấn luyện bao gồm ba loại: Huấn luyện lần đầu, huấn luyện định kỳ và huấn luyện lại. Huấn luyện lần đầu được thực hiện khi người lao động mới được tuyển dụng. Thời gian huấn luyện lần đầu ít nhất 24 giờ. Huấn luyện định kỳ được thực hiện hằng năm. Thời gian huấn luyện định kỳ ít nhất 08 giờ. Huấn luyện lại được thực hiện khi người lao động chuyển đổi vị trí công việc hoặc thay đổi bậc an toàn hoặc có sự thay đổi thiết bị, công nghệ; khi kết quả kiểm tra của người lao động không đạt yêu cầu hoặc khi người lao động đã nghỉ làm việc từ 6 tháng trở lên. Thời gian huấn luyện lại ít nhất 12 giờ. Tùy theo điều kiện cụ thể, người sử dụng lao động có thể tổ chức huấn luyện riêng về An Toàn Điện theo nội dung quy định tại Thông tư này hoặc kết hợp huấn luyện các nội dung về an toàn vệ sinh lao động - phòng cháy chữa cháy hoặc phối hợp với đơn vị huấn luyện khác được pháp luật quy định. Chi phí tổ chức huấn luyện, cấp thẻ do người sử dụng lao động chi trả.
4. Bậc An Toàn Điện
Bậc An Toàn Điện được phân thành 5 bậc, từ bậc 1/5 đến 5/5 với kết quả sát hạch cả lý thuyết và thực hành đều phải đạt từ 80% trở lên.
4.1. Yêu cầu đối với bậc 1/5
a). Kết quả huấn luyện lần đầu về lý thuyết và thực hành đạt 80% trở lên;
b). Có kiến thức về những quy định chung để đảm bảo an toàn khi thực hiện công việc được giao;
c). Sử dụng và quản lý trang thiết bị an toàn, phương tiện, dụng cụ làm việc được giao đúng quy định.
4.2. Yêu cầu đối với bậc 2/5
a). Hiểu rõ những quy định chung và biện pháp bảo đảm an toàn khi thực hiện công việc được giao;
b). Sử dụng và quản lý trang thiết bị an toàn, phương tiện, dụng cụ làm việc được giao đúng quy định;
c). Hiểu rõ phương pháp tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện;
d). Có kiến thức về sơ cứu người bị điện giật.
4.3. Yêu cầu đối với bậc 3/5
a). Yêu cầu như đối với bậc 2/5;
b). Có khả năng phát hiện vi phạm, hành vi không an toàn;
c). Có kỹ năng kiểm tra, giám sát người làm việc ở đường dây hoặc thiết bị điện.
4.4. Yêu cầu đối với bậc 4/5
a). Yêu cầu như đối với bậc 3/5;
b). Hiểu rõ trách nhiệm, phạm vi thực hiện của từng đơn vị công tác khi cùng tham gia thực hiện công việc;
c). Có kỹ năng lập biện pháp an toàn để thực hiện công việc và tổ chức giám sát, theo dõi công nhân làm việc;
d). Có khả năng phân tích, điều tra sự cố, tai nạn điện.
4.5. Yêu cầu đối với bậc 5/5
a). Yêu cầu như đối với bậc 4/5;
b). Có kỹ năng phối hợp với các đơn vị công tác khác, lãnh đạo công việc, tổ chức tiến hành các biện pháp an toàn và kiểm tra theo dõi thực hiện công việc.
5. Những công việc được làm theo bậc an toàn
5.1. Bậc 1/5 được làm những phần công việc sau
a). Được làm các công việc không tiếp xúc với thiết bị hoặc dây dẫn mang điện;
b). Tham gia phụ việc cho đơn vị công tác làm việc trên thiết bị điện, đường dây điện.
5.2. Bậc 2/5 được làm những phần công việc sau
a). Làm phần công việc của bậc 1/5;
b). Làm việc tại nơi đã được cắt điện hoàn toàn.
5.3. Bậc 3/5 được làm những phần công việc sau
a). Làm phần công việc của bậc 2/5;
b). Làm việc tại nơi được cắt điện từng phần;
c). Làm việc trực tiếp với đường dây điện, thiết bị điện hạ áp đang mang điện;
d). Thực hiện thao tác trên lưới điện cao áp;
đ). Kiểm tra trạm điện, đường dây điện đang vận hành;
e). Cấp lệnh công tác, chỉ huy trực tiếp, cho phép đơn vị công tác vào làm việc, giám sát đơn vị công tác làm việc trên đường dây điện, thiết bị điện hạ áp.
5.4. Bậc 4/5 được làm những phần công việc sau
a). Làm phần công việc của bậc 3/5;
b). Làm việc trực tiếp với đường dây điện, thiết bị điện cao áp đang mang điện;
c). Cấp phiếu công tác, lệnh công tác, chỉ huy trực tiếp, cho phép đơn vị công tác vào làm việc, giám sát đơn vị công tác làm việc trên đường dây điện, thiết bị điện cao áp.
5.5. Bậc 5/5 làm toàn bộ công việc thuộc phạm vi được giao.
6. Thẻ An Toàn Điện
6.1. Việc cấp thẻ An Toàn Điện được thực hiện trong các trường hợp sau đây
a). Sau khi người lao động được huấn luyện lần đầu và sát hạch đạt yêu cầu;
b). Khi người lao động chuyển đổi công việc;
c). Khi người lao động làm mất, làm hỏng thẻ;
d). Khi người lao động thay đổi bậc an toàn.
6.2. Sử dụng thẻ
a). Thời hạn sử dụng: Từ khi được cấp cho đến khi thu hồi;
b). Trong suốt quá trình làm việc, người lao động phải mang theo và xuất trình thẻ An Toàn Điện theo yêu cầu của người cho phép, người sử dụng lao động và người có thẩm quyền.
6.3. Các trường hợp thu hồi thẻ
a). Khi người lao động chuyển làm công việc khác hoặc không tiếp tục làm việc tại tổ chức, đơn vị cũ;
b). Thẻ cũ, nát hoặc mờ ảnh hoặc các ký tự ghi trên thẻ;
c). Vi phạm quy trình, quy định về an toàn điện;
d). Khi được cấp thẻ mới.
6.4. Thẩm quyền thu hồi thẻ: Do đơn vị cấp thẻ thực hiện.
7. Mẫu thẻ An Toàn Điện
Mẫu thẻ An Toàn Điện: Quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 5/2021/TT-BCT ngày 02/08/2021 của Bộ trưởng Bộ Công thương.
Kích thước của thẻ: 85 mm x 53 mm, nền cả hai mặt màu vàng nhạt.
Nội dung của thẻ:
1). Tên cơ quan cấp trên của đơn vị cấp thẻ (nếu có);
2). Tên đơn vị cấp thẻ;
3). Số thứ tự thẻ do đơn vị cấp từ 01 đến n, số thứ tự thẻ của mỗi người lao động được giữ nguyên sau mỗi lần cấp lại thẻ;
4). Chữ viết tắt của đơn vị cấp thẻ;
5). Họ tên của người được cấp thẻ;
6). Công việc hiện đang làm của người được cấp thẻ;
7). Chức vụ của người cấp thẻ;
8). Chữ ký của người cấp thẻ và dấu của đơn vị cấp thẻ.
Phông chữ: Tại các vị trí 1), 2), 7) sử dụng phông chữ Arial, cỡ chữ 12, kiểu chữ in hoa có dấu, màu đen; các chữ “Thẻ An Toàn Điện” sử dụng phông chữ Arial, cỡ chữ 22, kiểu chữ in hoa, đậm, có dấu, màu đỏ; các nội dung còn lại sử dụng phông chữ Arial, cỡ chữ 12, kiểu chữ in thường, có dấu, màu đen.
Nguồn: Tạp chí điện tử lao động và công đoàn
Tác giả: TS. ĐỖ THỊ LAN CHI - Khoa An toàn lao động và Sức khỏe nghề nghiệp, Trường Đại học Công đoàn